AloTrip

AloTrip - App du lịch tiện ích số 1 Việt Nam

Phone Phone

Tháng Giêng – Tưng bừng mùa lễ hội

Cập nhật: Thứ Năm, 17 tháng 1 2019 10:09

Mùa xuân là mùa cho sự khởi đầu của năm mới còn là mùa của những lễ hội đặc sắc. Cứ mỗi mùa xuân về, mọi người không phân biệt trai gái, già trẻ đều nô nức tham gia vào các lễ hội để cùng nhau cảm nhận cái hương vị không khí của mùa xuân.

Mỗi mùa xuân về, những lễ hội văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam đều được diễn ra trên khắp cả nước mang một nét đẹp văn hóa đặc sắc. Trong ba tháng đầu năm thì tháng Giêng – tháng đầu tiên trong năm diễn ra nhiều lễ hội hấp dẫn nhất. Và miền Bắc luôn là nơi chiếm số lượng các lễ hội lớn nhất. Dưới đây là những lễ hội nổi tiếng và thu hút lượng du khách lớn nhẩt đổ về miền Bắc tham dự.

Hội Gò Đống Đa mùng 5 Tết Nguyên đán (Hà Nội)

Lễ hội Gò Đống Đa là một lễ hội ăn mừng chiến thắng của chiến công lẫy lừng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta do vị do Hoàng đế Quang Trung (Nguyễn Huệ) lãnh đạo. Sáng sớm ngày mùng 5, lễ hội được tổ chức với đoàn rước từ đình Khương Thượng về Gò Ðống Ða. Đoàn người diễu hành trong những bộ lễ phục truyền thống cùng rừng cờ, tàn, tán, lọng, kiệu,... rực rỡ màu sắc kết hợp tiếng chiêng, trống, thanh la....tái hiện không khí ăn mừng chiến công cách đây hơn 2 thế kỷ. Trong phần hội có nhiều trò chơi vui khoẻ, thể hiện rõ tinh thần thượng võ được tổ chức, trong đó trò rước Rồng lửa Thăng Long là độc đáo nhất.

Hội Gò Đống Đa

Lễ hội chùa Hương ngày 6/1 ở Mỹ Đức (Hà Nội)

Chùa Hương nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Lễ hội chùa Hương là môt lễ hội nổi tiếng mà hàng năm, cứ đến mùa trẩy hội, du khách thập phương từ mọi miền trên đất nước lại trở về tham dự. Đây là lễ hội dài nhất trong cả nước và kéo dài từ mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch. Chùa Hương là tập hợp một quần thể gồm có động, các chùa được kết hợp với cảnh quan thiên nhiên bao gồm đồi, núi, hang động, suối rừng tạo nên một chốn “bồng lai tiên cảnh” làm đắm say mọi du khách. Khi đến đây, bạn sẽ được ngồi đò, xuôi theo dòng suối Yến thơ mộng để chiêm ngưỡng cảnh đẹp và ghé thăm những địa điểm nổi tiếng đền Trình; chùa Thiên Trù, động Tiên Sơn, chùa Giải Oan, đền Trần Song, động Hương Tích, chùa Hinh Bồng

Lễ hội chùa Hương

Lễ hội Yên Tử từ mùng 10 tháng Giêng (Quảng Ninh)

Hàng năm cứ vào mùng 10 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch là lễ hội Yên Tử lại được tổ chức. Chùa Yên Tử nằm ở độ cao 1.068m so với mực nước biển không chỉ là nơi hình thành phái Trúc Lâm Yên Tử mà còn nổi tiếng với nổi tiếng với cảnh đẹp, tháp cổ, chùa. Với độ cao này, du khách có thể lên trên bằng cách đi bằng đường bộ hoặc cáp treo. Ngoài các lễ hội truyền thống, du khách đến đây còn được thưởng thức các tiệt mục nghệ thuật truyền thống, lễ đóng dấu thiêng Yên Tử…Các địa điểm tham quan không thể bỏ qua khi đến với Lễ Hội đó là Chùa Đồng, chùa Hoa Yên, chùa một mái, suối Giải Oan, chùa Giải Oan…

Lễ hội Yên Tử

Lễ hội Khai Ấn từ 13 đến 15 tháng Giêng (đền Trần Nam Định)

Lễ hội ở đền Trần hay còn gọi là lễ Khai ấn đền Trần được diễn ra từ ngày 13 đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Đây là một trong những lễ hội đặc sắc để tri ân công đức các vị vua Trần ở đền Trần.  Hội mở bằng lễ khai ấn bắt đầu từ giờ Tý (giữa đêm), người ta đến đền để xin tờ ấn mong ước cho một năm được thăng tiến trong sự nghiệp. Lễ khai ấn là một tập tục văn hóa mang đậm tính nhân văn để nhà vua tế lễ Trời, Đất, Tiên tổ thể hiện lòng thành kính biết ơn non sông, cha ông. Ngoài lễ phát ấn, lễ hội Khai Ấn còn được tổ chức xen kẽ với nhiều hoạt động truyền thống bao gồm: múa lân, múa rồng, hát chèo, hát chầu văn, thi đấu cờ người, đấu vật...

Lễ hội Khai Ấn

Lễ hội đền Gióng ngày 6/1 (Sóc Sơn, Hà Nội)

Cứ vào ngày 6/1 âm lịch hàng năm, lễ hội đền Gióng lại được tổ chức tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Theo truyền thuyết thì đây là nơi cuối cùng mà Thánh Gióng dừng chân trước khi về trời. Trong 3 ngày diễn ra lễ hội, các nghi lễ truyền thống như: lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng lần lượt được tổ chức. Ở đây, du khách còn có có hội ghé thăm những khu di tích gồm: đền Trình, đền Mẫu, chùa Đại Bi, đền Thượng, tượng đài thánh Gióng, chùa Non nước và các lăng bia đá ghi lại lịch sử và lễ hội đền Sóc. Năm 2011, hội đền Gióng đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Lễ hội đền Gióng

Lễ hội Lim ngày 13/1 (Bắc Ninh)

Hội Lim là một lễ hội lớn của tỉnh Bắc Ninh được tổ chức ở Yên Du vào ngày 13 tháng Giêng hàng năm. Hội Lim mang một vẻ đẹp độc đáo của vùng văn hoá Kinh Bắc. Đến đây, du khách sẽ được thưởng thức những câu quan họ ngọt ngào, đằm thắm đến từ liền anh, liền chị với các phần hội hát giao duyên, hát đối đáp, thi hát với nhau ở trên bề, dưới bến. Các trò chơi được tổ chức trong lễ hội bao gồm: đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm. Ở phần lễ của hội Lim, nổi bật nhất là lễ rước với sự tham gia của đông đảo người dân trong bộ lễ phục thời xưa; các nghi thức hát thờ hậu, hát quan họ thờ thần.

Lễ hội Lim

Hội đền Hùng ngày 10/3 (Phú Thọ)

Hằng năm cứ vào ngày giỗ Tổ Hùng Vương, cả dân tộc Việt Nam lại hướng về vùng đất Phú Thọ để viếng đền Hùng, cầu bình an, tài lộc và hạnh phúc. Lễ hội được tổ chức với lễ rước kiệu vua, lễ dâng hương... Phần hội được tổ chức hoạt động trưng bày hiện vật khảo cổ học về thời đại Hùng Vương; đánh trống đồng, đâm đuống, múa lân, liên hoan văn nghệ quần chúng, Hát Xoan và dân ca Phú Thọ; thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy… Bất cứ ai khi đến đây đều không quên thắp lên vài nén hương trước Tổ với những nguyện ước trong năm mới.

Hội đền Hùng

Hội Xoan ngày 7/1 ở Phú Thọ

Hội xoan được diễn ra hàng năm ở Phú Thọ tại làng Hương Nha, huyện Tam Thanh. Đây là lễ hội để tưởng nhớ Xuân Nương - một nữ tướng tài giỏi của Hai Bà Trưng. Mở đầu của lễ hội bao giờ cũng là tiệc cầu Xuân dâng Thành hoàng; người dân dọn cỗ chay, có củ mài và mật ong theo đúng phong tục truyền thống. Tục truyền việc mổ trâu “nồi da xáo thịt” tái hiện lại tích năm tướng của vua Hùng thờ thần sông mà thoát nạn, khi lên bờ tìm trâu mổ thịt, lấy da làm nồi nấu để tế thần sông. Vào ngày 10 tháng Giêng, hội sẽ diễn trò trình nghề ở bãi sông trước đình làng bao gồm: vai diễn cày, bừa, gieo mạ, tát nước, bán con ngài tằm, bán bông rất hấp dẫn.

Hội Xoan

Hội chùa Keo ngày 14/1 (Thái Bình)

Chùa keo tọa lạc tại xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Đây là một trong những ngôi cổ tự nổi tiếng bậc nhất ở Việt Nam. Chùa nằm ở phía chân đê sông Hồng giữa vùng đồng bằng, gác chuông chùa keo mang là một công trình nghệ thuật bằng gỗ độc đáo được ví như một hoa sen vươn lên giữa màu xanh bát ngàn của quê lúa Thái Bình. Chùa thờ Không Lộ, có công chữa bệnh cho vua Lý Thánh Tông và được phong làm Quốc Sư. Ở hội chùa Keo, ngoài các phần lễ, du khách còn được thưởng thức các hội thi bắt vịt, thi thổi cơm và ném pháo... truyền thống mang đầy sự hấp dẫn.

Hội chùa Keo

AloTrip - dịch vụ đặt vé máy bay giá rẻ uy tín, chất lượng sẽ là địa chỉ đáng tin cậy cho khách du lịch. Chúng tôi luôn mang đến các dịch vụ tốt nhất để giúp bạn có một chuyến du lịch tuyệt vời.

Download App X
Download App X